Chuyến đi đến Mái ấm CAMILLO – Giỗ tổ Hùng Vương 2012

Đến ngày giỗ tổ Hùng Vương là dịp để mọi người nhớ về nguồn cội và quây quần bên gia đình nhưng còn đâu đó trong xã hội này những mảnh đời bất hạnh. Nếu như năm trước chúng tôi đến với Mái ấm Quê Hương để được quay về tuổi thơ, được lắng nghe tiếng cười đùa giỡn ngây thơ của các em thì năm nay chúng tôi lại tìm đến với không gian yên ắng của quận 8 để trải lòng mình với những tâm sự của những người đã đi gần hết chặng đường đời.

Thứ 7 ngày 31/03/2012có lẽ là một ngày đáng nhớ đối với những thành viên của Đội Tình Nguyện Tủ Sách Tình Bạn chúng tôi, khi mọi người  háo hức chuẩn bị cho một ngày nghỉ lễ thì chúng tôi lại mang những món đồ dùng hằng ngày đến cho các cụ. Nào là bánh kẹo, đường, dầu ăn, nhang muỗi,… với suy nghĩ làm sao để mang đến cho các cụ niềm vui trong ngày hôm nay. Chuyến xe buýt số 53 chở màu áo xanh tình nguyện chúng tôi trên con đường đầy nắng như nhiệt huyết trong lòng của mỗi người. Sau hồi chuyển trạm, chúng tôi lên chiếc xe buýt nhỏ xinh số 43, tuy chật lắm nhưng chúng tôi thấy như vậy càng khiến những thành viên của Tủ Sách Tình Bạn xích lại gần nhau hơn. Tiếng trò chuyện rôm rả hòa cùng tiếng cười đùa như xóa tan những mệt mỏi và nắng nóng của thành phố này. Có lẽ chúng tôi sẽ chẳng thể có đủ can đảm đi hết một quãng đường dài để đến với những con người cô đơn sống nơi xa rời thành phố nếu không có các bạn bên cạnh, xin cảm ơn những người bạn Tủ Sách Tình Bạn đã cho tôi một ngày thấy ý nghĩa và khó quên như vậy.

Cả Đội đang ngồi trên xe bus 53 quen thuộc để di chuyển ra Bến Thành

Các thành viên đã có mặt ở quận 8, tiếp tục chuyến hành trình đến mái ấm

Các bạn hẳn thắc mắc chúng tôi đi đến đâu mà nghe có vẻ xa lạ thế ? Nơi đó là Mái ấm Camillo (CAMILLO là tên của một vị Thánh – Saint Camillo De Lellis – chuyên giúp người bị bệnh tật, đó là ý nghĩa cũng như hoạt động chính của mái ấm) nằm ở địa chỉ số 697/485/60 Cao Lỗ, khu phố 8, tổ 123, phường 4, quận 8, TP. HCM. – con hẻm nhỏ nằm gần như cách biệt với cuộc sống ồn ào náo nhiệt của thành phố này. Mái ấm được cô Lê Thị Kính – giáo viên đã về hưu thành lập nên để nuôi dưỡng những số phận con người đã ở lứa tuổi chiều tà, nhưng lại quá đỗi neo đơn không còn người thân. Hiện tại mái ấm còn khoảng 20 cụ nhưng chỉ có 3 người chăm sóc, đa số các cụ đều mang căn bệnh tai biến và liệt bán thân. Các cụ bà tương đối già yếu, không nơi nương tựa, không còn con cháu, bị bệnh nặng, hay đau yếu, mất ngủ, tinh thần không ổn định…Chủ yếu các cụ tự chăm sóc cho nhau (mỗi phòng có chia ra người khỏe mạnh lo cho người yếu) và việc bếp núc do cụ bà 67 tuổi đảm nhận.

Mỗi ngày gói ghém lắm thì cô Kính cũng mất khoảng 100-150 ngàn tiền chợ để lo cho các cụ ăn, trong khi lương hưu của cô chỉ 2tr/tháng. Bữa ăn của các cụ thường: cơm trắng, món kho và canh chan chứa đậm nghĩa tình và sẻ chia.

Các  cụ ở đây là những cụ bị bỏ rơi và không có nhà cửa hay con cái để nương tựa, các cụ phải sống những ngày cuối đời nhờ vào tình thương và sự chia sẻ lẫn nhau, và cái mà các cụ cần hơn cả là niềm vui đến từ mọi người.

Các cụ rất mến tụi sinh viên chúng mình, có lẽ các cụ xem chúng tôi như những người con, người cháu trong quá khứ của mình. Các cụ vui mừng đến nỗi khi thấy tụi sinh viên đến có cụ mặc dù chân yếu vẫn nhanh chân xuống giường để gặp chúng tôi. Các cụ mỗi người một hoàn cảnh nhưng qua trò chuyện chúng tôi hiểu hơn về cuộc đời các cụ và như những người ông bà thật sự, các cụ dành những lời khuyên quý báu nhất được chắt lọc từ chính cuộc đời các cụ và dành tình cảm cho chúng tôi như những người cháu lâu ngày không gặp và biết mình sắp phải đi xa. Trò chuyện với một cụ, cụ kể rằng trước kia cụ rất đẹp, học thức cao nhưng lại tỏ ra kiêu căng và chúng tôi nghẹn ngào khi cụ bảo có lẽ do sự ngạo mạn ấy mà cụ bị Chúa trừng phạt đến nỗi này. Qua đó cụ khuyên chúng tôi rằng dù có học giỏi biết bao nhiêu, xinh đẹp bao nhiêu nhưng đừng nên kiêu căng, ngạo mạn, xem thường người khác. Và nhắc chúng tôi rằng: Phải sống tốt hơn, phải có tấm lòng bao dung rộng mở hơn. Hãy biết yêu thương, hãy biết sẻ chia. Đó là chân lý sống. Và hãy làm khi mọi thứ còn chưa muộn. Các cụ khiến chúng ta không khỏi suy nghĩ và cảm thương. Cảm thương cho số phận của các cụ.Tuy đã già, đáng lẽ phải được hưởng sự vun đắp của con cháu, sự an nhàn của tuổi già nhưng giờ phải nương tựa vài nhau sống qua ngày.

Cũng hôm đó chúng tôi tình cờ gặp những anh chị đã đi làm nhưng đến ngày nghỉ vẫn đến mái ấm để chia sẻ, giúp đỡ, nấu cơm cho các cụ như một món quà nhỏ xua tan đi sự cô đơn và sự lạnh lẽo của các cụ khi đang bước vào tuổi xế chiều. Như lời cô Kính – người phụ trách mái ấm đã chia sẻ: “Các cụ nơi đây cần niềm vui và cái tình là quí hơn hết các con ạ”. Các cụ cần lắm những lúc ốm đau có con cháu kịp thời chăm sóc, an ủi, động viên, đó là liều thuốc bổ có giá trị to lớn hơn bất cứ loại thuốc bổ nào.

Chúng tôi đến với các cụ với tấm lòng và sức trẻ. Chúng tôi giúp các cụ quét dọn sân vườn, rồi cùng nhau thái những củ để chuẩn bị cho bữa ăn trưa. Chúng tôi mang những chiếc xe lăn bám đầy bụi của các cụ ra chùi rửa và trong lòng dâng lên bao nỗi niềm khó tả khi được đẩy các cụ trên chiếc xe lăn ấy hay bế những cụ sức khỏe yếu vào phòng sinh hoạt.

Tại căn phòng này, chúng tôi ngồi quanh các cụ, mang bánh cho các cụ ăn, hát cho các cụ nghe, tâm sự, hỏi thăm với mục đích chia sẻ và làm cho các cụ cười thật nhiều. Các cụ tuy lớn tuổi nhưng rất thích hát, có lẽ tuổi già không làm mờ đi niềm vui ca hát của các cụ. Những câu hát “Lan và Điệp” mà chúng tôi chẳng thích nghe sao hôm đó lại nghe hay và ý nghĩa hơn. Mong rằng cái không khí này sẽ phần nào giúp các cụ có cảm giác được gần gũi con cháu mình, và đó chính là niềm vui của tuổi xế chiều.

Bữa ăn trưa cũng sẵn sàng, chúng tôi thổi nguội rồi đút cho các cụ ăn, được quạt cho các cụ và chúng tôi cảm thấy đó là điều hạnh phúc. Bữa ăn xong, chúng tôi dìu các cụ vào giường ngủ trưa rồi sau đó toàn đội ăn trưa cùng nhau. Có lẽ đây là bữa ăn trưa ngon nhất trong quãng đời sinh viên vì nó đầy ắp tình người và tình đồng đội chúng tôi. Sau đó, chúng tôi cùng nhau dọn dẹp, chuẩn bị những món đồ để các cụ nấu bữa ăn chiều và chuẩn bị kết thúc một hành trình đầy ý nghĩa.

Sau khi tặng quà và trò chuyện với cô Kính – người quản lý mái ấm, chúng tôi càng hiểu hơn tấm lòng của một nhà giáo sau một nửa đời chèo đò đưa khách sang sông giờ còn phải lo toan cho những số phận bất hạnh trong cuộc sống. Chúng tôi hạnh phúc biết bao khi được cô đặt cho mỗi đứa chúng tôi cái tên là những quyển sách nhỏ trong Tủ Sách Tình Bạn và mong Đội tình nguyện sẽ ngày càng phát triển, lớn mạnh để giúp ích không những cho những bạn sinh viên trong trường Đại học Ngân Hàng mà cho xã hội này. Và chúng tôi tự hứa với lòng mình rằng sẽ cố gắng học tập và rèn luyện để sau này quay lại có thể giúp cô được nhiều hơn để tạo ra bến đỗ, sân ga cuối cùng của những mảnh đời không còn người thân chỉ biết dựa vào nhau mà sống qua ngày.

Và chuyến hành trình cũng kết thúc khi chúng tôi chụp những tấm hình lưu niệm cùng cô Kính và Mái ấm Camillo sẽ đọng lại trong chúng tôi những hình ảnh, nỗi niềm khó mà tả nỗi. Chúc các cụ ở lại mạnh khỏe, vui sống ! Và chúng tôi mong sẽ có những đoàn thể, nhà hảo tâm quan tâm hơn đối với những số phận gần đất xa trời này vì như vậy là đề cao lòng biết ơn và sự quý trọng người già. Nhất là thế hệ sinh viên chúng ta hãy đừng ngần ngại giúp những người lớn tuổi xung quanh chúng ta, như vậy là chúng ta đã làm được một việc vô cùng ý nghĩa và tô điểm cho cuộc sống này thêm vẻ đẹp của tình người.

Hẹn gặp lại mái ấm vào một ngày nào khác, khi đó chúng tôi sẽ lại đến để màu áo xanh này được giúp ích cho xã hội nhiều hơn.

Bình luận về bài viết này